Ngày 22/9/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 343 - CP thành lập Viện Tư liệu phim Việt Nam (nay là Viện Phim Việt Nam) thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với chức năng lưu chiểu, lưu trữ phim và bảo quản các tư liệu điện ảnh, nghiên cứu lý luận, công nghệ điện ảnh, khai thác phổ biến các tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật. Sự kiện này không những đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác lưu trữ hình ảnh động tại Việt Nam mà còn thể hiện sự quan tâm, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với giá trị của phim lưu trữ - di sản văn hóa hình ảnh động quốc gia.

Với xuất phát điểm chỉ là một Phòng Tư liệu phim của Cục Điện ảnh được thành lập năm 1965, trải qua một giai đoạn chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, tiếp đến chiến tranh Biên giới 1979, tư liệu điện ảnh luôn nằm trong tình thế cấp bách phải sơ tán, di chuyển nhiều nơi (Khu ATK Tuyên Quang, Kho H9 Đà Lạt). Không có kho phim cố định, điều kiện bảo quản phim lưu trữ thời kỳ này khá thô sơ, lạc hậu, phòng ốc, cơ sở làm việc phải đặt nhờ các đơn vị trong ngành như Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Cục Điện ảnh… lực lượng cán bộ mỏng, trang thiết bị bảo quản phim thiếu thốn, nhưng đội ngũ lưu trữ viên thời đó đã vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết. Sức mạnh đoàn kết của đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức thời kỳ đầu đã tạo nên một truyền thống tốt đẹp của Viện, trở thành yếu tố quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho một đơn vị lưu trữ điện ảnh lớn mạnh sau này.

Năm 1982, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và Hà Nội, Viện Tư liệu phim Việt Nam được khởi công xây dựng tại 115 Ngọc Khánh (nay là 523 Kim Mã - Ba Đình - Hà Nội) và được hoàn thành đi vào sử dụng từ năm 1989, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Viện. Kể từ đây, Viện Tư liệu phim Việt Nam chính thức có một trụ sở mới, phim tư liệu, vật liệu gốc được quy về một mối, được bảo quản, lưu trữ trong điều kiện nhiệt độ, độ ẩm đạt chuẩn, việc phục vụ công tác nghiên cứu, sáng tác điện ảnh của ngành được thuận lợi và hiệu quả hơn.

Nhiệm vụ của Viện Phim Việt Nam:

  1. Trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt quy hoạch phát triển, kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn và hàng năm về lĩnh vực lưu chiểu phim, lưu trữ phim, bảo quản, phổ biến các tư liệu điện ảnh và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
  2. Theo dõi, tiếp nhận lưu chiểu phim sản xuất trong nước và phim nhập vào Việt Nam (kể cả các phim chưa được phép phát hành);
  3. Sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và phục chế các bộ phim, đoạn phim, tài liệu hiện vật (gọi tắt là tư liệu) về điện ảnh trong nước và quốc tế;
  4. Tổ chức quay phim, ghi hình các sự kiện, đặc điểm, tình hình của đời sống xã hội, đất nước, con người Việt Nam để bổ sung cho nguồn tư liệu lưu trữ; tiếp nhận tư liệu điện ảnh từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trao tặng để lưu trữ;
  5. Nghiên cứu về nghiệp vụ, kỹ thuật lưu trữ, bảo quản tư liệu; nghiên cứu về lý luận, nghệ thuật, lịch sử, xã hội học điện ảnh phục vụ cho việc hoạch định chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  6. Thực hiện các dịch vụ khoa học, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ, kết quả nghiên cứu về điện ảnh vào thực tế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện theo quy định của pháp luật;
  7. Tổ chức, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nhân lực về điện ảnh theo chức năng, nhiệm vụ của Viện;
  8. Tổ chức dịch, biên soạn, xuất bản các tác phẩm, công trình nghiên cứu có giá trị về điện ảnh để cung cấp tài liệu khoa học phục vụ việc sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy, học tập, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Mua những tác phẩm, tư liệu, hiện vật điện ảnh có giá trị trong nước và nước ngoài để phục vụ cho công tác nghiên cứu, sáng tác và đào tạo;
  9. Khai thác, phổ biến các tác phẩm, tư liệu điện ảnh lưu trữ phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà nước, nhu cầu nghiên cứu, sáng tác, đào tạo và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân;
  10. Cung cấp tư liệu cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu; trao đổi bản sao tư liệu; tổ chức làm phim thực nghiệm và khai thác hợp lý, hiệu quả các thiết bị làm phim theo quy định của pháp luật;
  11. Tham gia các tổ chức quốc tế về lưu trữ hình ảnh động và hợp tác với các tổ chức điện ảnh nước ngoài theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  12. Thông tin, tuyên truyền, giới thiệu kết quả nghiên cứu và phổ biến tri thức về lĩnh vực điện ảnh cho nhân dân;
  13. Cải tiến công tác quản lý, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Viện tinh gọn, hoạt động hiệu quả; thực hiện các nội dung cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  14. Xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý tổ chức bộ máy, nhân sự; thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Viện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  15. Quản lý, sử dụng tài chính, tài sản được giao và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.

     16. Thực hiện các nhiệm vụ khác được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao.